Họ tên | BS. Nguyễn Thị Ngọc Mai |
Chức danh | Báo cáo viên |
Địa chỉ email | |
Số điện thoại |
SO SÁNH TỶ LỆ NGUY CƠ CAO THUYÊN TẮC HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH TRÊN SẢN PHỤ HẬU PHẪU MỔ SINH TẠI BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG QUA CÁC THANG ĐIỂM SÀNG LỌC Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Phạm Thị Hải Châu, Nguyễn Thị Ngọc Mai Bộ môn Sản phụ khoa – trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Tóm tắt: Đặt vấn đề và mục tiêu: Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, đặc biệt trong tuần đầu hậu sản – giai đoạn nguy cơ cao nhất. Sản phụ mổ lấy thai có nguy cơ TTHKTM cao gấp 4 lần so với sinh ngả âm đạo, do đó cần đánh giá nguy cơ ngay sau mổ (hậu phẫu ngày 0) để phát hiện sớm và dự phòng kịp thời. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục tiêu: So sánh tỷ lệ nguy cơ cao TTHKTM trên sản phụ hậu phẫu mổ sinh ngày 0 tại Bệnh viện Hùng Vương (BVHV) từ 01 – 10/2024, dựa trên thang điểm sàng lọc của Bộ Y tế (BYT), thang điểm của BVHV và thang điểm của Bệnh viện Từ Dũ (BVTD). Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, thực hiện tại khoa Hậu phẫu BVHV, TP.HCM từ 01 – 10/2024, với cỡ mẫu 808 trường hợp. Các sản phụ hậu phẫu mổ sinh ngày 0, từ 18 tuổi trở lên, tại khoa Hậu phẫu BVHV sẽ được thu thập số liệu nghiên cứu. Kết quả: Tỷ lệ nguy cơ cao, trung bình, thấp TTHKTM trên sản phụ hậu phẫu mổ sinh ngày 0 tại BVHV khi áp dụng thang điểm BYT lần lượt là: 13,6% (KTC 95%: 11,24 –15,96), 21,2% (KTC 95%: 18,38 – 24,02), 65,2% (KTC 95%: 61,92 – 68,48). Thang điểm BYT với tỷ lệ nguy cơ cao 13,6%, giúp bao phủ rộng hơn, giảm nguy cơ bỏ sót các trường hợp nguy cơ thực sự, nhưng làm tăng số lượng sản phụ dùng kháng đông không cần thiết, dẫn đến nguy cơ gặp phải biến chứng như xuất huyết, giảm tiểu cầu hoặc loãng xương. Ngược lại, thang điểm BVHV (4,5%, KTC 95%: 3,07 – 5,93) và BVTD (2,1%, KTC 95%: 1,11 – 3,09) giảm tỷ lệ nguy cơ cao, hạn chế biến chứng và chi phí y tế, nhưng có nguy cơ bỏ sót các trường hợp TTHKTM tiềm ẩn. Kết luận và khuyến nghị: Tỷ lệ nguy cơ cao TTHKTM trên sản phụ hậu phẫu mổ sinh ngày 0 tại BVHV khi áp dụng thang điểm BYT cao hơn 3 – 6,5 lần so với hai thang điểm còn lại: BYT 13,6%, BVHV 4,5%, BVTD 2,1%. Các bệnh viện cần thiết lập quy trình đánh giá nguy cơ và dự phòng TTHKTM thường quy cho sản phụ trước và sau sinh nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời. Cần nghiên cứu đoàn hệ quy mô lớn, chọn mẫu xác suất và bao gồm các ca TTHKTM thực tế để đánh giá hiệu quả thang điểm BYT, từ đó đưa ra khuyến cáo chính xác hơn. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo liên tục về TTHKTM cho nhân viên y tế và nâng cao nhận thức trong cộng đồng
08g45 |
So sánh tỷ lệ nguy cơ cao thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên sản phụ hậu phẫu mổ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương qua các thang điểm sàng lọc
|