ThS.BS. Trần Trung Hiếu

ThS.BS. Trần Trung Hiếu
Họ tên ThS.BS. Trần Trung Hiếu
Chức danh Báo cáo viên
Địa chỉ email
Số điện thoại

KHẢO SÁT MẬT ĐỘ MẠCH MÁU VÕNG MẠC VÙNG HOÀNG ĐIỂM BẰNG OCT-A TRÊN BỆNH NHÂN CẬN THỊ NẶNG Trần Đình Minh Huy1, Nguyễn Minh Đức2, Trần Trung Hiếu2 1. Trường Đại học Y dược Thành Phố Hồ Chí Minh 2. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Tóm tắt: Đặt vấn đề: Cận thị nặng gây giảm thị lực nghiêm trọng nếu không được điều chỉnh khúc xạ bằng quang học. Ngoài ra, cận thị nặng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như glaucoma góc mở, đục thuỷ tinh thể, bong võng mạc, thoái hoá hoàng điểm cận thị. Cận thị nặng có liên quan đến sự thay đổi hình thái của mạch máu võng mạc, đặc biệt là những bệnh nhân có trục nhãn cầu dài trên 26mm, gây giảm lưu lượng và mật độ mạch máu võng mạc. Chụp mạch máu cắt lớp cố kết quang học (OCT-A) là một phương tiện khảo sát mới, không xâm lấn, giúp ghi lại hình ảnh mạng lưới mao mạch của võng mạc và hắc mạc, kỹ thuật này không cần sự hỗ trợ của thuốc cản quang. Nhằm góp phần hiểu rõ hơn về sự thay đổi trên mắt cận thị nặng nói chung và sự thay đổi cấu trúc mạng lưới mao mạch võng mạc vùng hoàng điểm nói riêng trên bệnh nhân cận thị nặng, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này Mục tiêu: Mô tả sự thay đổi mạch máu võng mạc các lớp nông và lớp sâu, mạch máu hắc mạc vùng hoàng điểm ở bệnh nhân cận thị nặng với OCT-A - Mô tả sự thay đổi hình thái của vùng hoàng điểm vô mạch ở bệnh nhân cận thị nặng với OCT-A. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca, với cỡ mẫu tối thiểu 30 mắt, sau đó được chia vào 2 nhóm là nhóm cận thị nặng và cận thị bệnh lý (cận thị nặng có kèm biểu hiện cận thị bệnh lý ở đáy mắt), số liệu được nhập vào Excel và xử lý bằng phần mềm SPSS 25. Kết quả: Nghiên cứu trên 41 mắt gồm 30 mắt cận thị nặng và 11 mắt cận thị bệnh lý. Độ tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 28,78 ± 7,39, thị lực chỉnh kính tối đa của nhóm cận thị bệnh lý kém hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị nặng (p=0,001). Độ cầu tương đương của nhóm cận thị bệnh lý cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị nặng (p=0,037). Độ dài trục nhãn cầu của nhóm cận thị bệnh lý dài hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm cận thị nặng (p=0,02). Mật độ mạch máu vùng hoàng điểm nhóm cận thị bệnh lý giảm ở tất cả các vùng so với nhóm cận thị nặng (ngoại trừ lớp mao mạch hắc mạc, chỉ ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩ thống kê ở vị trí trung tâm). Tương quan nghịch giữa mật độ mạch máu vùng hoàng điểm ở tất cả các vùng với độ dài trục nhãn cầu và thị lực chỉnh kính tối đa ở tất cả các vùng. Tăng diện tích và chu vi vùng hoàng điểm vô mạch lớp nông và lớp sâu võng mạc trên cận thị bệnh lý so với cận thị nặng. Tương quan thuận giữa chu vi vùng hoàng điểm vô mạch lớp nông và lớp sâu võng mạc với độ dài trục nhãn cầu và thị lực chỉnh kính tối đa. Kết luận: Cận thị nặng cùng tiến triển của chiều dài trục nhãn cầu gây tăng nguy cơ xuất hiện cận thị bệnh lý, làm giảm mật độ mạch máu võng mạc, hắc mạc vùng hoàng điểm, gây biến đổi hình thái vùng hoàng điểm vô mạch, ảnh hưởng đến thị lực chỉnh kính tối đa của bệnh nhân. Từ khoá: Cận thị nặng, cận thị bệnh lý, mật độ mạch máu, vùng hoàng điểm vô mạch, OCT-A

Hội Trường MẮT (10 May)

10g20

Khảo sát mật độ mạch máu võng mạc vùng hoàng điểm bằng OCT-A trên bệnh nhân cận thị nặng