Họ tên | CN. Nguyễn Thị Kiều Trang |
Chức danh | Báo cáo viên |
Địa chỉ email | ***@pnt.edu.vn |
Số điện thoại | ********** |
SIMULATION
IN SITU – CÔNG CỤ QUAN TRỌNG ĐỂ CẢI THIỆN KỸ NĂNG HỒI SINH TIM PHỔI CƠ BẢN TẠI
CƠ SỞ THỰC HÀNH
CN. Nguyễn Thị Kiều Trang, TS. BS. Nguyễn
Ngọc Phương Thư,
TS. BS. Hoàng Quốc Thắng
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Abstract
Đặt vấn đề
Hồi
sinh tim phổi cơ bản (HSTPCB) là một quy trình cấp cứu kết hợp ép tim ngoài lồng
ngực và thông khí nhân tạo, được sử dụng khi bệnh nhân ngưng tim ngưng thở
(NTNT). HSTPCB giúp đẩy máu giàu oxy đến các cơ quan quan trọng cho đến khi nhịp tim trở lại bình thường hoặc có các
phương tiện hỗ trợ tim mạch chuyên biệt. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân
NTNT có thể tăng gấp hai lần nếu HSTPCB được thực hiện kịp thời và hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kiến thức và kỹ năng HSTPCB của nhân
viên y tế suy giảm sau 3 đến 6 tháng đào tạo. Do đó, việc thực hành thường
xuyên kỹ năng HSTPCB là vô cùng cần thiết cho nhân viên y tế.
Mô
phỏng tại chỗ (MPTC) đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong giáo dục
y khoa, giúp cải thiện năng lực ứng phó tình huống cấp cứu, tăng cường kỹ năng
giao tiếp, và phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn (NCTA) không nhận thấy trong đào tạo
truyền thống. Việc tích hợp MPTC vào chương trình huấn luyện HSTPCB là cần thiết
nhằm nâng cao năng lực xử trí của nhân viên y tế trong thực tế lâm sàng.
Mục tiêu
Nghiên cứu này nhằm:
1.
Xác định các NCTA có thể xuất hiện khi thực hiện HSTPCB tại bệnh
viện trên tình huống NTNT.
2.
Đánh giá nhận thức của người tham gia về vai trò của MPTC trong
giáo dục y khoa.
Đối tượng và phương pháp
Tình
huống mô phỏng bệnh nhân NTNT được thực hiện tại Bệnh viện Hùng Vương, trong giờ
làm việc và không được báo trước. Các nhân viên y tế trong ca làm việc đều tham
gia vào tình huống, tiến hành cấp cứu ban đầu và HSTPCB theo quy trình của bệnh
viện. Phiên mô phỏng kéo dài 20 phút, được ghi hình và phân tích trong phiên
debriefing do nhà giáo dục mô phỏng dẫn dắt, tập trung vào đánh giá thực hành
lâm sàng, xác định các lỗi chính và các NCTA trong phiên mô phỏng. Sau khi kết thúc phiên debriefing,
người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi khảo sát trực tuyến về vai trò của MPTC
trong giáo dục y khoa. Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS phiên bản 25.0.
Kết quả
Các lỗi chính và NCTA: đánh giá bệnh
nhân NTNT chưa chính xác, xử trí NTNT và thực hiện HSTPCB chưa đúng theo quy
trình, kỹ thuật HSTPCB chưa chính xác (ép tim không đúng vị trí, chưa thông đường
thở trước khi bóp bóng, gắn điện cực bị hở khi dùng máy phá rung), vận chuyển bệnh
nhân chưa an toàn, và gián đoạn thời gian vàng trong cấp cứu hồi sức.
Khảo sát sau phiên mô phỏng: 100% người tham gia đánh giá MPTC là cực kỳ có giá trị hoặc có giá trị. 92% người tham gia cảm thấy tự tin hơn trong
xử trí NTNT và thực hiện HSTPCB sau phiên mô phỏng.
Kết luận
MPTC không chỉ là công cụ giáo dục mà
còn là phương pháp phát hiện và khắc phục các lỗ hổng hệ thống tiềm ẩn trong cấp
cứu lâm sàng. Việc tích hợp MPTC vào các chương trình đào tạo HSTPCB tại bệnh
viện là cần thiết để cải thiện năng lực xử trí của nhân viên y tế, từ đó nâng
cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Từ khóa:
Mô phỏng tại chỗ, Hồi sinh tim phổi cơ bản, Nguy cơ tiềm ẩn, Ngưng tim ngưng
thở.